Tình hình giá vàng trong nước so với thế giới trong thời gian qua
Vào hồi đầu tháng 3, giá vàng trong nước đã đạt mức đỉnh lịch sử, lên tới 74 triệu đồng 1 lượng, cũng tương ứng với thời gian giá vàng thế giới tạo đỉnh.
Tuy nhiên, nếu như từ đó đến nay giá vàng thế giới đã giảm liên tiếp, với mức giảm tương đối lớn (từ khu vực đỉnh 2050 về mức 1700), thì giá vàng trong nước lại giảm khá nhẹ, vẫn loanh quanh ở mức 70 triệu đồng / lượng. Đến ngày hôm qua, tức 18/07 thì giá vàng lại đột ngột giảm mạnh tới gần 6 triệu đồng, kết thúc ngày giao dịch ở mức 61,8 triệu đồng / lượng.
Xét cả ở thời điểm đạt đỉnh cũng như ở thời điểm hiện tại, giá vàng nước ta vẫn luôn cao hơn rất nhiều so với giá vàng thế giới. Đồng thời, giá vàng nội địa cũng có vẻ như hoàn toàn không “chạy” theo giá vàng thế giới, thậm chí còn có những thời điểm biến động ngược chiều. Vậy, nguyên nhân từ đâu mà giá vàng trong nước lại có sự khác biệt nhiều như vậy so với giá vàng thế giới?
Giá vàng trong nước có chịu tác động bởi giá vàng thế giới không?
Chúng ta khó có thể phủ nhận sự tác động của giá vàng thế giới đối với giá vàng nội địa, biểu hiện là mỗi khi giá vàng thế giới tăng mạnh, thì giá vàng trong nước cũng nhanh chóng tăng theo. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều lần giá vàng thế giới giảm khá nhiều và nhanh nhưng giá vàng trong nước lại không giảm, hoặc giảm một cách rất từ từ, chậm rãi.
Trên thực tế, dù có phần chịu tác động, nhưng hoàn toàn không có sự liên thông nào giữa giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới. Việc giá vàng trong nước không giảm theo đà giảm chung của thế giới, cùng với cả sự chênh lệch lớn so với thế giới cũng xuất phát từ nguyên nhân này. Như vậy, chúng ta có thể hiểu là giá vàng thế giới có ảnh hưởng đến giá vàng trong nước, nhưng không tác động một cách trực tiếp.
Vậy điều gì quyết định giá vàng trong nước
Mặc dù nước ta có mỏ vàng và cũng có hoạt động khai thác vàng, nhưng trên thực tế sản lượng vàng tự khai thác là khá ít nên phần lớn vàng tiêu thụ nội địa vẫn đến từ nhập khẩu. Chính việc phải nhập khẩu về, rồi qua quá trình chế tác, phân phối đã khiến cho giá bị đẩy lên cao hơn so với thế giới, đó là điều dễ hiểu.
Nhưng điều quan trọng hơn, hiện nay quy định của Chính phủ chỉ cho phép Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được nhập khẩu vàng và trực tiếp quản lý hoạt động sản xuất vàng, khiến cho nguồn cung bị hạn chế trong khi nhu cầu thực tế trong nước là khá lớn, dẫn đến giá vàng thực tế luôn ở mức cao.
Cụ thể, Theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng thì NHNN là đơn vị được Chính phủ giao cho kiểm soát cũng như thực hiện hoạt động sản xuất vàng. Từ đó NHNN có thể lựa chọn các đơn vị thực hiện sản xuất cũng như phân phổi vàng thành phẩm (còn được gọi là các “tay to”) như SJC, PNJ, Doji… Trong đó, vàng SJC được NHNN chọn là thương hiệu vàng miếng quốc gia.
Tóm lại, có thể nói rằng giá vàng bán ra trong nước được quyết định bởi các đơn vị sản xuất vàng kể trên dưới sự quản lý trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Và việc giá vàng trong nước luôn cao hơn thế giới xuất phát từ nguyên nhân nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu của người dân luôn khá lớn, điều này là phù hợp với quy luật cung cầu của thị trường.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận thực tế rằng chênh lệch hiện tại đang là quá cao, bởi trong khi giá vàng thế giới đã giảm mạnh mà giá trong nước vẫn chỉ loanh quanh ở mức thấp hơn tương đối ít so với mức đỉnh, đây cũng là một bất lợi cho người tiêu dùng.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hân, Đại học Kinh tế TP.HCM – chuyên gia trong lĩnh vực kim loại quý cho rằng, NHNN cần sớm có văn bản quy định rõ về các điều kiện mà doanh nghiệp và tổ chức tín dụng cần có để có thể được gia công vàng miếng cho NHNN, từ đó sẽ mở rộng nguồn lực sản xuất vàng, tối ưu chi phí sản xuất và cũng giảm áp lực lên nguồn cung, giúp hạ nhiệt giá vàng cũng như thu hẹp khoảng cách với thế giới.
Tại sao giá vàng giảm sốc trong ngày 18/07
Đối với việc giá vàng giảm sốc vào ngày 18/07 vừa qua, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đây là điều dễ hiểu khi mà giá vàng thế giới đã giảm liên tiếp trong thời gian dài. Mặc dù không liên thông trực tiếp tới thị trường vàng thế giới nhưng chúng ta vẫn nhập khẩu vàng, do đó việc giá giảm theo thị trường quốc tế cũng là điều hiển nhiên, chỉ là sự thay đổi diễn ra một cách khá đột ngột trong khi thời gian dài trước đó lại ít có sự biến động lớn.
Thế nhưng nếu dựa trên dữ liệu lịch sử thì đây cũng là điều bình thường, vì mỗi lần giá vàng thế giới tăng thì giá vàng trong nước cũng tăng nhanh chóng, nhưng khi giá vàng thế giới giảm thì trong nước lại giảm theo rất chậm chạp. Và có lẽ chính sự chậm chạp đó đã khiến áp lực cung cầu chênh lệch và tạo ra cú giảm sốc chỉ trong một ngày để cân bằng lại cung cầu trên thị trường.
Mặc dù giá vàng đã giảm, nhưng nhiều chuyên ra đều đưa ra lời khuyên rằng các nhà đầu tư không nên mua vàng vật chất để đầu tư trong thời điểm này, vì tình hình thế giới vẫn rất biến động, do đó không thể biết chắc được rằng giá vàng sẽ tăng hay còn giảm tiếp, do đó anh em cũng nên cân nhắc trước khi “bắt đáy” với loại tài sản vật chất này nhé.