Trung Quốc đối mặt rủi ro giảm phát
Tháng 6, lạm phát Trung Quốc ở ngưỡng 0%, trong khi chỉ số giá sản xuất giảm mạnh, dấy lên lo ngại giảm phát và tăng khả năng Bắc Kinh tung gói kích thích kinh tế.
Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc đi ngang ở ngưỡng 0% trong tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021, theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia mới công bố.
Lạm phát cơ bản (loại trừ chi phí năng lượng và lương thực) đã giảm xuống 0,4% từ 0,6% của tháng trước. Chỉ số giá sản xuất tiếp tục lao dốc, giảm 5,4% so với một năm trước đó, mạnh hơn mức giảm của tháng 5 và là mức giảm sâu nhất kể từ tháng 12/2015.
“Nguy cơ giảm phát đang hiện hữu”, Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, nhận xét.
Cả hai thước đo đều bổ sung thêm bằng chứng cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc đang yếu đi, với những lo ngại về giảm phát đè nặng lên niềm tin. Điều đó có khả năng thúc đẩy những gói kích thích tiềm năng, được xem là “lá bài” để vực dậy nền kinh tế.
“Dữ liệu lúc này đang ủng hộ việc nới lỏng chính sách nhiều hơn, điều mà các nhà hoạch định chính sách đang làm, nhưng chỉ ở mức độ cân nhắc”, Michelle Lam, chuyên gia kinh tế tại Societe Generale SA, cho biết.
Các nhà sản xuất đã trải qua nhiều tháng vật lộn với giá hàng hóa thấp hơn và nhu cầu yếu của thị trường trong và ngoài nước. Nếu người tiêu dùng và doanh nghiệp tiếp tục hạn chế chi tiêu hoặc đầu tư với hy vọng giá sẽ giảm, điều đó có thể dẫn đến vòng xoáy giảm phát mạnh hơn nữa.
Lực cản chính đối với giá tiêu dùng tháng trước là giá thịt lợn. Giá thịt – một mặt hàng chủ lực trong chế độ ăn uống của người Trung Quốc – đã giảm 7,2% trong tháng 6 so với một năm trước đó, mạnh hơn mức giảm 3,2% của tháng 5.
Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng đặt mức sàn cho giá thịt lợn nhằm hạn chế đà lao dốc. Tuần trước, nước này cho biết sẽ mua thêm thịt lợn để dự trữ nhằm thúc đẩy nhu cầu.
Giảm phát giá sản xuất được thúc đẩy bởi sự sụt giảm kéo dài của giá cả hàng hóa quốc tế. Nhà thống kê Dong Lijuan của NBS cho biết, chi phí dầu và than tiếp tục giảm, một phần do mức nền cao của năm ngoái.
“Chỉ số giá tiêu dùng bằng 0, còn giá sản xuất giảm sâu hơn trong tháng 6 cho thấy sự phục hồi sau đại dịch của Trung Quốc đang mất dần động lực. Đà giảm giá là dấu hiệu của nhu cầu yếu cũng làm mờ đi triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế”, David Qu, chuyên gia kinh tế của Bloomberg, nhận xét. “Nhu cầu kích thích nhiều hơn từ Ngân hàng Trung ương đang tăng lên”.
Có nhiều lời kêu gọi Bắc Kinh hành động để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng hầu hết biện pháp cho đến nay đều bị hạn chế về phạm vi. Ngân hàng Trung ương đã giảm một lượng nhỏ lãi suất điều hành vào tháng trước và chính phủ đã gia hạn việc giảm thuế cho người mua ôtô điện.
Thủ tướng Lý Cường tuần trước đã có cuộc nói chuyện với một số nhà kinh tế Trung Quốc về khả năng tăng cường kích thích kinh tế, mặc dù ông nhấn mạnh rằng các chính sách sẽ “có mục tiêu, toàn diện và phối hợp tốt” – củng cố nhận định rằng gói kích thích sẽ không ở quy mô lớn. Một yếu tố hạn chế là gánh nặng nợ nần cao của chính quyền địa phương. Nguồn lực này trước đó thường là động lực tăng trưởng khi tạo ra chi tiêu nhiều hơn.
Theo Bloomberg