Thị trường đổ dồn sự chú ý vào cuộc họp chính sách của FED và báo cáo việc làm trong tuần này: Manh mối then chốt của sức khỏe nền kinh tế Mỹ và khả năng cắt giảm lãi suất
Cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), báo cáo việc làm tháng 4 và báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 của nhiều gã khổng lồ sẽ là thông tin chính đối với các nhà đầu tư trong tuần 29/4 – 5/5.
Cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ là sự kiện chính đối với các nhà đầu tư trong tuần này. Phố Wall sẽ tìm kiếm manh mối về sức khỏe của nền kinh tế và khả năng cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay. Một dữ liệu cũng trong tâm điểm chú ý là báo cáo việc làm tháng 4 của Mỹ cũng như báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 của nhiều tập đoàn lớn.
Sau phiên giao dịch thứ Sáu tuần trước, chỉ số S&P 500 đã chấm dứt được chuỗi 3 tuần giảm điểm. Nasdaq Composite cũng đang tìm điểm dừng của chuỗi 4 tuần giảm liên tiếp. Nguyên nhân thúc đẩy chứng khoán tăng là kết quả kinh doanh tốt từ Alphabet – công ty mẹ của Google và Microsoft, cùng nhiều công ty khác. Những thông tin này bù đắp cho lo ngại về lạm phát dai dẳng.
Nhưng lạm phát cao vẫn gây áp lực lên thị trường. Các nhà đầu tư bắt đầu đánh giá lại dự đoán của họ về quyết định lãi suất của FED. Tuần qua, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm nhanh chóng tăng trên 4,7%, lần gần nhất lợi suất cao trên 4,6% là từ tháng 11 năm ngoái.
Theo công cụ FedWatch tool của CME Group, các thị trường chỉ dự đoán khả năng một đợt cắt giảm 0,25 điểm phần trăm vào năm 2024. Con số này giảm mạnh so với 6-7 lần hạ lãi suất mà các nhà đầu tư dự đoán hồi đầu năm.
Theo chiến lược gia kinh tế vĩ mô David Alcaly tại Lazard Asset Management, ba tháng lạm phát tăng liên tiếp cho thấy đây không hẳn là biến động theo mùa như một số người nhận định. “Tốt nhất là FED trì hoãn việc cắt giảm lãi suất. Còn tệ nhất thì FED cần phải làm cho nền kinh tế (tăng trưởng) chậm lại”, ông nói.
Tranh luận về lãi suất, nhiều người dự đoán ngân hàng trung ương sẽ giữ nguyên lãi suất chuẩn sau cuộc họp ngày 30/4 – 1/5. Nhưng điều đáng chú ý hơn là phát biểu của Chủ tịch FED Jerome Powell sau cuộc họp. Vì nhà đầu tư cần xem thái độ của ông có trở nên “diều hâu” hơn hay không.
Lập trường vững chắc chống lại lạm phát của Chủ tịch FED có thể khiến các nhà đầu tư lo lắng rằng lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn có thể gây ra những vết nứt trong nền kinh tế. Một số nhà đầu tư cũng sẽ quan sát ý tưởng tăng lãi suất có trở lại trong các cuộc thảo luận hay không.
Matt Stucky, giám đốc danh mục đầu tư chứng khoán tại Northwestern Mutual Wealth Management Compan, lưu ý: “(Tăng lãi suất) vẫn là một sự kiện khó có thể xảy ra, nhưng không hẳn là không có khả năng”.
Trong tuần này, các nhà đầu tư cũng sẽ nhận được thông tin cập nhật về tình hình của thị trường lao động với báo cáo việc làm tháng 4. Theo khảo sát của Dow Jones, các nhà kinh tế dự kiến sẽ có thêm 250.000 việc làm trong tháng 4, giảm so với 303.000 việc làm của tháng 3.
Cho đến hiện tại, thị trường lao động mạnh mẽ một cách đáng ngạc nhiên đã khuyến khích các nhà đầu tư tin rằng người Mỹ có thể chịu được tác động của lãi suất cao cũng như giá cả hàng hóa tăng vọt. Nhưng những rạn nứt bất ngờ trong thị trường lao động cũng có thể khiến các nhà đầu tư lo lắng.
Tuần này cũng sẽ là một tuần sôi nổi với hàng loạt báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp hướng tới người tiêu dùng. Đáng chú ý trong số đó là Amazon và Apple sẽ công bố báo cáo doanh thu lần lượt vào thứ Ba và thứ Năm. Ở lĩnh vực khác, Super Micro Computer, công ty được hưởng lợi từ AI, cũng chuẩn bị công bố kết quả.