Đà phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản khá mong manh khi tăng trưởng GDP sụt giảm so với quý trước đó cũng như cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, “số phận” của đồng yen có thể được hỗ trợ nhờ vào nhu cầu “trú ẩn an toàn” của giới đầu tư.
Bất chấp việc duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng, Nhật Bản có thể sẽ gia nhập nhóm các nền kinh tế tăng trưởng âm trong quý đầu tiên của năm khi số liệu tăng trưởng GDP quý 1 được công bố lúc 07:40 (Giờ Việt Nam) hôm thứ Tư. Dữ liệu xuất khẩu tháng 4 công bố lúc 07:40 thứ Năm với đà tăng trưởng chậm lại cộng với số liệu lạm phát tăng vọt được công bố lúc 7:30 thứ Sáu tới có thể tạo ra một khởi đầu không mấy khả quan cho quý thứ hai, tiếp tục hạ thấp triển vọng của nền kinh tế đứng thứ 3 thế giới này.
Dù vậy, đồng yen vốn bị “vùi dập” đã cố gắng có vài lần tăng giá nhờ vào vai trò là “hầm trú ẩn an toàn” của mình và sự phục hồi có thể chỉ mới bắt đầu.
#Phân_tích_phục_vụ_NGHỀ_Trading
Nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng âm trong Quý 1?
Đồng yen đã cho thấy đợt tăng giá tuần đầu tiên sau khi trải qua hai tháng bị bán tháo khắc nghiệt liên tục khiến đồng tiền này bị đẩy xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ so với đồng đô la Mỹ. Sự phục hồi xuất hiện sau khi nền kinh tế Mỹ bất ngờ tuyên bố tăng trưởng âm trong quý đầu tiên của năm, làm dấy lên lo ngại rằng việc Fed “mạnh tay” thắt chặt chính sách tiền tệ có thể gây thiệt hại thêm cho nền kinh tế hơn là kiềm chế lạm phát.
Kết quả là, giới đầu tư tìm kiếm sự an toàn trên các thị trường trái phiếu truyền thống, gây sức ép khiến lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ giảm xuống. Sự chênh lệch ngày càng mở rộng giữa lợi suất trái phiếu Mỹ đang đà tăng với lợi suất trái phiếu Nhật Bản sụt giảm đã đè nặng lên đồng yen và lần chững lại mới nhất cuối cùng đã thổi sức sống trở lại cho đồng tiền trú ẩn này.
Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu đồng yen có duy trì được lợi thế hàng tuần hay không khi hàng loạt công bố dữ liệu được cho là sẽ vẽ nên bức tranh về một nền kinh tế trì trệ, cho thấy sự không hiệu quả của lãi suất âm liên tục cũng như việc mua trái phiếu ồ ạt của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ).
Giới phân tích ước tính mức sụt giảm hàng năm là 1.8% và mức giảm hàng quý là 0.4% trong ba tháng đến tháng 3 từ mức tăng 4.6% và 1.1% trước đó. Trước đó, chi tiêu của các hộ gia đình tháng 3 đã giảm 2.3% tính theo giá trị thực so với năm trước, trong khi niềm tin của người tiêu dùng cũng phải đối mặt với một sự suy giảm khác vào tháng 4. Do đó, khả năng xảy ra suy thoái kinh tế ngày càng lớn.
Chỉ số Lạm phát CPI có thể gia tăng mạnh mẽ
Các dữ liệu khác sẽ tiếp tục cho thấy nền kinh tế tháng Tư không hề sáng sủa. Xuất khẩu được cho là đã tăng với tốc độ nhẹ nhàng hơn 13.8% so với 14.7% trước đó, trong khi nhập khẩu được dự báo sẽ tăng từ 31.2% lên 35%.
Mặc dù Nhật Bản nổi tiếng với “tư duy giảm phát”, giá nguyên liệu đầu vào từ năng lượng cho đến ngô cộng với chi phí vận chuyển tăng cao có lẽ đã buộc các doanh nghiệp phải chuyển chi phí sang người tiêu dùng trong tháng 4 vừa qua, đặc biệt là khi đồng yen đã suy giảm đáng kể, ở mức giảm dài nhất trong 50 năm qua so với đồng bạc xanh, đã làm trầm trọng thêm tác động từ việc tăng giá nguyên liệu thô.
Dữ liệu công bố vào thứ Hai cho thấy Chỉ số giá sản xuất (PPI) đã tăng vọt 10% trong cùng tháng, trong khi chỉ số CPI cơ bản của quốc gia sẽ được công bố vào thứ Sáu dự kiến sẽ tăng mạnh lên 2.1% (y/y) từ con số 0.8% trước đó, đây là lần tăng mạnh đầu tiên trong bảy năm qua.
Nhu cầu “trú ẩn an toàn” có thể hỗ trợ đồng yen
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tác động sụt giảm từ tỷ giá sẽ khác nhau đối với từng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu và phục vụ chủ yếu thị trường nội địa như Sony phải đối mặt với khó khăn về tiền tệ hơn các công ty trong ngành công nghiệp xe hơi và phần mềm có dây chuyền sản xuất ở nước ngoài và ít bị ảnh hưởng bởi biến động tỷ giá.
Tuy nhiên, trong tuyên bố hôm thứ Hai thống đốc BoJ đã khẳng định rằng NHTW không nhắm mục tiêu vào thị trường ngoại hối mặc dù những động thái gần đây đối với đồng tiền này là không mong muốn và sẽ kiên nhẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.
Nếu lợi suất trái phiếu tiếp tục giảm nhẹ trong tuần này, dữ liệu GDP xấu hơn dự kiến có thể củng cố trạng thái trú ẩn an toàn của đồng yen, đẩy cặp USD/JPY quay lại vùng hỗ trợ 127.50 – 126.93. Lạm phát tăng mạnh hơn có thể thúc đẩy động thái bullish vào cuối tuần, nhà đầu tư có thể tiếp tục xem xét mốc 125.00 và đường 50-day SMA.
Ngoài ra, nếu chính sách tiền tệ siêu lỏng ngăn chặn hoặc giảm bớt tình trạng suy giảm của nền kinh tế, cộng với dữ liệu lạm phát thấp hơn dự kiến, cặp tiền này có thể vượt lên trên ngưỡng kháng cự quan trọng 129.20 với phạm vi kiểm tra đường xu hướng hỗ trợ bị phá vỡ xung quanh mốc 130.80 và đỉnh 131.24 trước đó. Cao hơn nữa, trọng tâm sẽ chuyển sang vùng 132.30 – 133.40 được lấy từ đầu năm 2002.