Đồng JPY vốn được coi là đồng tiền trú ẩn an toàn từ rất lâu trong thế giới tài chính, khi mà đồng tiền này luôn được nhà đầu tư tìm đến mỗi khi thị trường toàn cầu xuất hiện bất ổn. Thế nhưng, dường như vị thế đó của đồng Yên Nhật đang bị đe dọa trong thời gian gần đây, bởi nó đang mất giá trước những sóng gió gần đây trên thế giới, thậm chí còn mất giá hơn những loại tiền tệ không được coi là an toàn. Vậy liệu trong tương lai, chúng ta còn có thể tìm đến đồng JPY như một nới trú ẩn an toàn hay không?
JPY đã từng là nơi trú ẩn an toàn như thế nào
Trong lịch sử, chúng ta đã có rất nhiều sự kiện chứng minh rằng đồng JPY thường được các nhà đầu tư tìm đến khi mọi thứ trở nên bất ổn, họ mua đồng tiền này với niềm tin rằng nó sẽ giữ được giá trị và che chở cho họ khỏi những “giông bão” của thị trường.
Ví dụ, chúng ta tìm lại cuộc đại suy thoái năm 2008, khi mà nền kinh tế thế giới cũng như các đồng tiền khác đang lao đao, thì đồng JPY đã đạt đỉnh cao nhất trong vòng 13 năm, ở mức khoảng 90 Yên đổi được 1 USD. Hay trong đợt bất ổn xung quanh cuộc bầu cử ở Ý vào năm 2013, đồng JPY đã tăng 5% chỉ trong một ngày so với đồng EUR, và 4% so với đồng USD.
Từ rất lâu, Nhật Bản đã luôn chứng minh mình là một nền kinh tế ổn định, bền vững và tăng trưởng tốt, và có những chính sách hiệu quả để đưa kinh tế vượt qua khủng hoảng. Chính vì vậy nên đồng JPY vẫn luôn có được niềm tin từ các nhà đầu tư trên toàn cầu, đặc biệt là trong những bối cảnh khó khăn nhất.
Thế nhưng, dường như những sự kiện gần đây đã cho thấy rằng có điều gì đó đang thay đổi, đồng JPY đang mất dần vị thế và không còn thu hút các nhà đầu tư dù cho hàng loạt các biến động đã xảy ra và nguy cơ suy thoái đang đe dọa nền kinh tế toàn cầu.
Xem thêm: JPY là tiền gì? Những điều Trader cần biết về đồng Yên Nhật
Sự “thất thế” của đồng JPY
Lần cuối thể hiện vị thế trú ẩn an toàn vào năm 2020
Tính đến hiện tại, lần cuối đồng JPY hoạt động như một tài sản trú ẩn là khi tin tức về dịch Covid-19 lần đầu tiên được công bố, vào cuối năm 2019 – đầu năm 2020.
Thông tin về đại dịch đã khiến thị trường lo sợ về một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, và người ta đổ xô đến các tài sản trú ẩn an toàn, bao gồm đồng JPY. Trong suốt năm 2020, tỷ giá USD/JPY vẫn giảm đều khi không có dấu hiệu kiểm soát được đại dịch.
Sức mạnh bắt đầu suy giảm trong đợt bùng phát biến thể Delta
Khi biến thể Delta của Covid-19 được phát hiện, một làn sóng khủng hoảng khác lại diễn ra khi hầu hết các quốc gia châu Á bắt đầu đóng cửa. Trong giai đoạn này, đồng JPY dường như đã bắt đầu mất dần vị thế của mình, khi mà tỷ giá USD/JPY đã tăng đáng kể trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 8 năm 2021 – cũng chính là giai đoạn biến thể Delta đạt đỉnh điểm.
Suy yếu rõ rệt trong làn sóng Omicron
Sau khi biến thể Delta giảm nhiệt, thì biến thể Omicron của Covid-19 tiếp tục gây áp lực và đe dọa sự phục hồi mong manh của nền kinh tế toàn cầu. Sau khi WHO tuyên bố rằng Omicron là một biến thể đáng lo ngại vào tháng 11 năm 2021 thì đồng Yên đã nhanh chóng mất giá trong suốt tháng 12, kéo dài sang cả đầu năm 2022.
Chiến tranh Ukraine đánh dấu sự tụt dốc của đồng Yên
Nếu như các sự kiện trước đó bắt đầu cho thấy dấu hiệu đồng JPY đánh mất vị thế, thì cho đến khi chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2 năm 2022, chúng ta đã thấy được sự suy yếu một cách rõ rệt của đồng tiền này, kéo dài đến tận hiện tại cũng chưa hề có dấu hiệu hồi phục nào đáng kể.
Khi chiến tranh nổ ra, hiển nhiên là người ta sẽ tìm đến các tài sản trú ẩn an toàn, nhưng sự suy yếu của đồng Yên lại thể hiện điều ngược lại – sự “chạy thoát” khỏi đồng tiền này.
Tỷ giá USD/JPY đã lần lượt đạt mức cao nhất 5 năm vào ngày 11 tháng 3, cao nhất 20 năm vào khoảng giữa tháng 4, và mới đây đã tiếp tục đạt đến mức đỉnh cao nhất 24 năm vào nửa cuối tháng 6.
Chiến tranh tại Ukraine đã xé tan nền kinh tế toàn cầu vốn đang phục hồi một cách yếu ớt sau đại dịch, và rõ ràng là đồng Yên đã không thể giữ được vị thế của mình trong bối cảnh như vậy, thậm chí còn suy yếu hơn tất cả các đồng tiền khác trên thế giới. Tất cả điều đó cho thấy rằng vị thế đồng tiền trú ẩn của JPY đang dần biến mất.
Xem thêm: Sức mạnh của đồng CHF – tại sao CHF là tiền tệ trú ẩn an toàn?
Tại sao đồng Yên yếu đến vậy?
Để giải thích được lý do đồng Yên suy yếu, có lẽ chỉ dựa trên sự hiểu biết của mình là không đủ. Tuy nhiên xét trên bối cảnh kinh tế chúng ta cũng có thể phân tích được một phần nguyên nhân.
Đầu tiên, Nhật Bản ở thời điểm hiện tại đã qua giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, mà chỉ duy trì ở một mức khá khiêm tốn. Đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu suy thoái thì kinh tế Nhật Bản cũng không ngoại lệ.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã đưa ra dự báo về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản tăng 2,4% vào năm 2022 và 2,3% năm 2023, con số không mấy tích cực so với mức 3,7% và 2,3% của Mỹ.
Vấn đề tiếp theo, trong khi Mỹ và châu Âu đang vật lộn với lạm phát tăng, thì Nhật Bản lại có mức lạm phát rất thấp. Mức dự báo mà IMF đưa ra cho chỉ số này của Nhật Bản là 1% vào năm 2022 và 0,8% vào năm 2023.
Tưởng như đây là điều tích cực trong khi phần còn lại của thế giới đang đau đầu vì lạm phát, nhưng bối cảnh đó đã đặt BOJ vào một tình huống rất khó giải quyết. Trong khi các ngân hàng trung ương khác đồng loạt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, thì BOJ lại không thể làm vậy, điều đó khiến cho đồng Yên trượt giá rất sâu so với các đồng tiền khác.
Theo quan điểm của BOJ, họ cần giữ lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ người dân trong hoàn cảnh khó khăn, đồng thời cũng là để kích cầu trong bối cảnh lạm phát rất thấp so với thế giới, và dường như chưa có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ thay đổi quan điểm của mình.
Xem thêm: Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và chương trình nới lỏng định lượng
Vậy còn cơ hội nào cho JPY?
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Trong bối cảnh lạm phát đe dọa suy thoái kinh tế trên toàn thế giới thì lạm phát thấp ở Nhật dường như cũng được coi là một điểm tích cực.
Ngoài ra, việc đồng Yên hiện đang ở mức cực kỳ thấp có nghĩa là các nhà đầu tư có thể dễ dàng mua đồng tiền này bằng ngoại tệ. Và khả năng hồi phục của đồng yên vẫn còn khi ngân hàng trung ương nước này vẫn luôn có những biện pháp linh hoạt để hỗ trợ cho nền kinh tế của mình. Chỉ xét riêng bối cảnh kinh tế, thì Nhật Bản có thể nói là đang chịu ít rủi ro hơn nhiều so với các nền kinh tế châu Âu.
Tuy nhiên, xét một cách khách quan là như vậy. Còn trên thực tế, vấn đề quan trọng nhất đối với một đồng tiền trú ẩn là niềm tin của nhà đầu tư, có lẽ sẽ không còn nguyên vẹn đối với đồng Yên. Do đó, chúng ta cần thêm thời gian để biết được rằng đồng Yên có còn được chấp nhận như một nơi trú ẩn an toàn hay không. Chỉ có một điều chắc chắn là chúng ta sẽ thấy sự thay đổi của nền kinh tế toàn cầu sau khi giai đoạn khủng hoảng này qua đi.