Iran tấn công đáp trả Israel, lạm phát Mỹ tăng nóng: Đồng USD có tuần tốt nhất kể từ năm 2022, vụt sáng thành ‘nơi trú ẩn’ giữa bất ổn
Đồng USD đã có tuần tốt nhất kể từ năm 2022. Dữ liệu lạm phát Mỹ cao hơn dự kiến đã gây ra những biến động trên thị trường thế giới. Ngoài ra, căng thẳng gia tăng giữa Iran và Israel khiến giá dầu tăng cao, một yếu tố có lợi cho đồng USD.
Trong tuần qua, đồng bạc xanh của Mỹ đã tăng 1,7% so với rổ 6 tiền tệ, đánh dấu tuần tốt nhất kể từ tháng 9/2022. Đồng USD tăng trong bối cảnh các nhà giao dịch thay đổi dự đoán vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm cắt giảm lãi suất.
Đồng euro và đồng bảng Anh đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái, lần lượt ở mức 1,0642 USD đổi 1 euro và 1,245 USD đổi 1 bảng Anh. Trong khi đó, đồng Yên chạm đáy 34 năm rồi hồi về mức 153,28 Yên đổi 1 USD.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu tuần qua, sự sụt giảm của đồng bảng Anh cũng góp phần khiến chứng khoán Anh tăng 0,9%. FTSE 100 – nơi các công ty có phần lớn doanh thu bằng USD – gần đạt mức kỷ lục khi chốt phiên.
Nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao Quentin Fitzsimmons tại T Rowe Price, cho biết: “Bản thân nước Mỹ là một trường hợp đặc biệt, với chính sách tài khoá rất lỏng lẻo và hiện là chính sách tiền tệ thắt chặt. Đây là công thức giúp đồng USD mạnh hơn”.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 3 tăng 3,5%, cao hơn dự đoán, đã khiến các nhà giao dịch cược rằng FED có thể thực hiện chỉ 1 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay. Điều đó khác hẳn với kỳ vọng 6 đợt cắt giảm hồi đầu tháng 1.
Thứ Năm vừa qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) báo hiệu rằng họ vẫn đang trong quá trình thực hiện cắt giảm lãi suất vào tháng 6. Áp lực lên đồng euro gia tăng khi ngày càng có nhiều dự đoán rằng lãi suất khu vực đồng euro sẽ giảm trước lãi suất ở Mỹ.
Tính đến chiều ngày 12/4, đồng euro đã giảm 1,8% trong tuần, mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 9/2022.
Sự thay đổi trong tâm lý đã giúp đẩy mức chênh lệch giữa chi phí vay chính phủ Mỹ và Đức kỳ hạn 10 năm lên 2,17 điểm phần trăm, mức cao nhất kể từ năm 2019.
Nhiều đồn đoán cũng cho rằng Riksbank của Thụy Điển có thể cắt giảm lãi suất ngay sau tháng 5, vì nước này báo cáo lạm phát thấp hơn dự kiến.
Theo các nhà phân tích, những lo ngại về cuộc tấn công của Iran nhằm vào Israel, đáp trả cuộc không kích vào Đại sứ quán Iran ở Syria, cũng là một phần khiến đồng USD tăng giá mạnh gần đây.
Nhà phân tích tiền tệ Francesco Pesole tại ING, cho biết: “Căng thẳng gia tăng giữa Iran và Israel có thể khiến giá dầu tăng cao hơn nữa. Tất cả đều có lợi cho đồng USD trong thời gian tới”.
Đồng USD được coi là tài sản trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư trong thời điểm bất ổn địa chính trị gia tăng. Sức mạnh đồng USD được duy trì có thể gây ra vấn đề cho các quốc gia đang tìm cách cắt giảm lãi suất mà không làm suy yếu đồng tiền của họ và đẩy nhanh tốc độ tăng giá.
Triển vọng trở nên phức tạp do giá dầu tăng vọt. Dầu Brent đạt 92 USD/thùng, lần đầu tiên kể từ tháng 10 năm ngoái. Xung đột tại Trung Đông khiến lo ngại ngày càng gia tăng.
Nhà quản lý danh mục đầu tư James Novotny tại Jupiter Asset Management cho biết các ngân hàng trung ương khác rõ ràng không muốn đồng tiền của họ suy yếu nghiêm trọng, vì sẽ làm lạm phát gia tăng.
Các thị trường đang cược rằng ECB sẽ thực hiện ít nhất 3 lần cắt giảm lãi suất 24 điểm vào cuối năm nay và chỉ 1-2 lần cắt giảm đối với FED.
Đồng Yên Nhật Bản chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ sự gia tăng kỳ vọng về lãi suất của Mỹ. Đồng Yên đã chạm mức thấp nhất kể từ năm 1990, khiến Bộ Tài chính Nhật Bản trong tình trạng báo động về khả năng can thiệp.
Ông Masato Kanda, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản, nói với các phóng viên hôm thứ Năm tuần trước rằng các nhà chức trách sẽ không loại trừ bất kỳ biện pháp nào nhằm giải quyết những biến động quá mức của tỷ giá hối đoái.