ATH (All Time High) là gì? Kinh nghiệm giao dịch khi ATH xảy ra?
ATH xuất hiện trên hầu hết các thị trường tài chính nhưng có lẽ thuật ngữ này thường được sử dụng nhiều nhất trên 2 loại tài sản, là tiền điện tử và cổ phiếu. ATH đề cập tới việc một tài sản đã đạt đến mức giá cao nhất từ trước đến nay. Điều này có thể là cơ hội nhưng cũng sẽ là thách thức lớn đối với những nhà đầu tư, đặc biệt là những người đang nắm giữ, sở hữu tài sản đó trong danh mục đầu tư của mình.
ATH là gì?
ATH là viết tắt của All Time High, chỉ mức giá cao nhất mà một tài sản nào đó đạt được từ trước đến nay.
Từ định nghĩa này, chúng ta có thể suy ra được đặc điểm của ATH:
- Tất cả các loại tài sản tài chính đều có ATH
- Tại mỗi thời điểm nhất định, chúng ta sẽ chỉ xác định được một ATH, đó chính là mức giá cao nhất từ quá khứ cho đến thời điểm hiện tại hoặc thời điểm đang xét.
- Bất cứ khi nào mà tài sản vẫn còn được giao dịch trên thị trường thì một ATH mới có thể xuất hiện để thay thế cho ATH cũ, khi ATH mới xuất hiện thì mức giá cao nhất trước đó không còn được gọi là ATH của tài sản nữa.
Và như đã nói, thuật ngữ ATH có thể được dùng trên nhiều thị trường khác nhau nhưng người ta hầu như chỉ sử dụng phổ biến trên thị trường tiền điện tử và cổ phiếu.
Động lực nào để ATH mới xuất hiện?
Trước hết, chúng ta cần xem xét diễn biến hình thành ATH mới của tài sản.
Giá của tài sản được cho là đã hình thành ATH mới khi nó trải qua 2 giai đoạn sau:
- Thứ nhất, thị trường đang trong xu hướng tăng và giá tiếp tục tăng mạnh, vượt qua cả mức ATH hiện tại.
- Sau đó thị trường bắt đầu điều chỉnh giảm và hình thành đỉnh của xu hướng tăng này. Mức giá cao nhất ứng với đỉnh của xu hướng tăng đó chính là ATH mới.
Hình minh họa về hiện tượng ATH. Nguồn: TheTraders.
Động lực đằng sau diễn biến tăng giá đó là gì?
Khi tài sản tăng giá, nhiều người sẽ nhảy vào, tạo ra một áp lực mua lớn xuất hiện, đẩy giá lên cao hơn và vượt lên cả ATH cũ, cho đến khi thị trường thấy rằng tài sản đang bị định giá quá cao thì cuộc biểu tình tăng giá này mới dừng lại. Một bộ phận các nhà đầu tư thu được lợi nhuận từ đợt tăng giá này bắt đầu bán tài sản để chốt lời.
Thông thường, sau những đợt bán tháo nhỏ này, tài sản sẽ tăng giá trở lại khi thị trường tập trung quanh mức giá mới (hay hỗ trợ mới) của nó. Và tương tự, khi tài sản bắt đầu tăng giá trở lại, tiếp tục sẽ có nhiều người nhảy vào, áp lực mua tăng, khi giá phá vỡ được kháng cự, nó sẽ tiếp tục tăng lên, vượt ATH cũ rồi lại tiếp tục bị thị trường điều chỉnh giảm và ATH mới được hình thành. Đó là chu kỳ tăng giá và cũng chính là chu kỳ các ATH mới.
Nguyên nhân tạo nên động lực của một ATH mới là gì?
Đối với một cổ phiếu, có thể là do báo cáo lợi nhuận vượt trội so với kỳ trước, hoặc hoạt động kinh doanh của công ty được mở rộng, tạo niềm tin cực kỳ lớn đối với nhà đầu tư. Hoặc cũng một phần do cổ phiếu được hưởng lợi từ sự tăng trưởng chung của nền kinh tế…
Còn với một loại tiền điện tử, đó có thể là một dự án coin mới, nhiều triển vọng nhờ áp dụng công nghệ mới, vượt bậc hơn so với những đồng coin hiện tại. Hoặc cũng có thể dự án coin nhận được tài trợ, đối tác lớn, uy tín trên thế giới, khiến cộng đồng nhà đầu tư dễ dàng đặt trọn niềm tin vào tiềm năng phát triển của dự án coin này.
Hoặc bất kỳ một nguyên nhân nào khác ảnh hưởng đến giá trị nội tại của tài sản theo hướng tích cực. Nhưng chắc chắn rằng không có một ATH mới nào xảy ra trên một tài sản mà không có nguyên nhân sâu xa đằng sau nó. Và nhiệm vụ của nhà đầu tư là tìm ra nguyên nhân đó để xác định liệu rằng đây chính là ATH cuối cùng của chu kỳ hay giá sẽ tiếp tục sớm hình thành ATH mới trong thời gian tới.
ATH nên được phân tích như thế nào?
Mỗi nhà đầu sẽ có thái độ và cách tiếp nhận khác nhau khi ATH mới xuất hiện. Có người dửng dưng đứng ngoài thị trường vì không muốn trở thành “người mua cuối cùng”, có người quyết liệt nhập cuộc vì không muốn bỏ lỡ cơ hội nắm giữ một tài sản đang trên đà tăng trưởng tốt.
Cái làm khó nhà đầu tư khi một ATH mới được hình thành đó là chúng ta không thể nào chắc chắn được rằng giá sẽ dừng lại ở đây hay sẽ tiếp tục tăng:
- Thứ nhất, vì không có cơ sở để dự đoán giá sẽ tiếp tục tăng hay dừng lại ở ATH mới này nên nhà đầu tư thường chần chừ trước các quyết định của mình → thị trường đã có câu trả lời trong khi nhà đầu tư vẫn còn phân vân.
- Thứ hai, cho rằng đó chưa phải là ATH cuối cùng trong chu kỳ tăng giá nên quyết định mua vào → kết quả là đu đỉnh, thị trường lập tức “quay xe” ngay sau đó.
- Thứ ba, lo sợ đây là ATH cuối của chu kỳ nên bán toàn bộ tài sản nhưng sau đó lại tiếc hùi hụi khi giá vẫn tiếp tục tăng.
Vậy thì, ATH nên được phân tích như thế nào để nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định đúng đắn nhất?
Trên thực tế thì ATH không có mặt trong bất kỳ một chiến lược hay kỹ thuật giao dịch nào vì giao dịch dựa trên ATH là cực kỳ rủi ro. Tuy nhiên, các nhà đầu tư thường dựa vào ATH để đánh giá về tiềm năng tăng trưởng của tài sản.
Cụ thể, nhà đầu tư nên phân tích ATH ở những khía cạnh nào?
Thứ nhất, so sánh ATH với giá hiện tại của tài sản. Nhà đầu tư cần xem xét giá tài sản hiện tại đã giảm bao nhiêu % so với ATH. Một đợt điều chỉnh giảm có thể khiến cho giá tài sản mất đến 20% so với mức cao ngay trước đó. Nếu thị trường đang điều chỉnh nằm trong phạm vi này (tức dưới 20%) và các yếu tố kỹ thuật cũng đồng thuận (giá đang tiến đến vùng hỗ trợ) thì khả năng là thị trường sẽ tăng trở lại sau đó và một ATH mới sẽ được thiết lập. Ngược lại, nếu giá đã điều chỉnh hơn 20% hoặc giảm khá sâu, nghĩa là tài sản đang ở trong chính thị trường gấu và chúng ta cần biết lý do tại sao lại giảm sâu như thế?
Thứ hai, xem xét thời gian từ lúc ATH được hình thành cho đến thời điểm hiện tại: nếu ATH chỉ mới hình thành gần đây và nguyên nhân giá giảm là do xu hướng chung của thị trường thì khả năng phục hồi và đạt ATH mới sẽ cao hơn. Ngược lại, nếu ATH đã cách quá xa so với hiện tại thì nguyên nhân có thể do chính giá trị nội tại của tài sản giảm xuống, và khả năng phục hồi là rất khó.
Thứ ba, khả năng hình thành ATH mới. Nếu tài sản đã nhiều lần thiết lập ATH mới thì cho thấy tài sản có khả năng phục hồi cao. Niềm tin của nhà đầu tư đối với tài sản này vẫn vững chắc. Ngược lại, một tài sản chưa từng phá vỡ ATH đầu tiên, cho đến nay vẫn chưa thể phục hồi nhưng nguyên nhân không phải do xu hướng chung của thị trường, vì những tài sản khác cùng loại vẫn đang tăng trưởng tốt, điều này chứng tỏ giá trị nội tại của tài sản thực sự đang gặp vấn đề lớn, khó phục hồi trở lại và tất nhiên, khả năng một ATH mới được thiết lập sẽ là chuyện khá xa vời.
Bên cạnh việc phân tích ATH thì các nhà đầu tư thường phân tích các yếu tố cơ bản của tài sản để có thể xác định giá trị hiện tại và nhận định về giá trị có thể đạt đến ở tương lai của nó. Và khi một ATH mới được thiết lập, họ sẽ xem xét liệu rằng tài sản đó có đang bị định giá cao hơn so với giá trị thực của nó ở hiện tại hay không, để quyết định việc có thoát khỏi vị thế hiện tại đối với tài sản hay không hoặc ATH vẫn chưa chạm đến giá trị mà nó có thể đạt đến trong tương lai, từ đó quyết định sẽ gia nhập thị trường…
Nhà đầu tư nên làm gì khi ATH mới xuất hiện?
Trước khi xác định nên làm gì với một ATH mới, các bạn cần làm rõ nguyên nhân hoặc động lực nào để nó được hình thành, đồng thời phân tích các mức ATH cũ để nhận định về giá trị của tài sản và khả năng ATH mới này sẽ dừng lại hay tiếp tục. Đó là những nội dung đã được trình bày ở phần trên.
Còn những gì sẽ được trình bày dưới đây không phải là một chiến lược hay kỹ thuật giao dịch hiệu quả với ATH vì như đã nói, giao dịch với ATH cực kỳ rủi ro. Nhưng đối với những nhà đầu tư đang nắm giữ tài sản, một ATH mới có thể ảnh hưởng đến vị thế của họ, do đó, khi nó xuất hiện, nhà đầu tư có thể phản ứng theo những cách như sau:
Bán một phần tài sản
Trong đầu tư tài chính, việc cắt lỗ sớm có thể sai nhưng chốt lời sớm không bao giờ là sai trái. Nhưng để tránh cảm giác tiếc nuối khi giá sẽ tiếp tục tăng sau ATH mới này, các bạn có thể bán một phần tài sản để chốt lời.
Mặt khác, trên thực tế thì không ai có thể chắc chắn 100% về việc giá sẽ tăng nữa hay không, nhưng khi chốt lời từng phần, lợi nhuận của bạn được bảo toàn, điều này giúp cho nhà đầu tư bớt căng thẳng hơn, đặc biệt trong giai đoạn thị trường liên tiếp thiết lập các ATH mới.
Để chốt lời từng phần, các bạn cần xác định tỷ lệ cho mỗi lần chốt lời. Chẳng hạn như, khi ATH mới được thiết lập, các bạn có thể bán ra từ 30-50% lượng tài sản đang nắm giữ để đảm bảo rằng bạn đã chắc chắn có được một phần lớn lợi nhuận sau một thời gian dài nắm giữ tài sản này. Nếu thị trường tiếp tục tăng giá, có thể bán ra từ 10-15% sau mỗi lần ATH mới được thiết lập và cuối cùng, có thể giữ lại một ít để tiếp tục theo đuổi hết chu kỳ tăng giá này.
Cân nhắc bán toàn bộ tài sản
Khi thị trường liên tiếp thiết lập các mức ATH mới, nhà đầu tư cần xác định xem khi nào thì chu kỳ tăng giá này sẽ kết thúc, thị trường sẽ đảo chiều giảm để cân nhắc bán toàn bộ tài sản đang nắm giữ.
Việc bán toàn bộ tài sản sau khi thị trường đạt ATH mới nên được cân nhắc vì khả năng phục hồi sau ATH có thể kéo dài rất lâu. Và thay vì phải chờ đợi để thị trường phục hồi và một ATH mới nữa được thiết lập, điều này chỉ gây bất lợi vì các bạn đang gánh chịu chi phí cơ hội lớn, các bạn nên chuyển sang đầu tư trên một tài sản khác có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.
Nhưng quan trọng là làm sao để có thể dự đoán được chu kỳ tăng giá này sẽ kết thúc? Phân tích kỹ thuật sẽ hữu ích cho quyết định của bạn trong trường hợp này.
Khi các ATH mới liên tục được thiết lập, thị trường đang trong xu hướng tăng thì phần lớn các mức giá sẽ nằm trên đường trung bình trượt MA. Thiết lập mà các bạn có thể sử dụng là đường MA50 trên khung D1 vì các đợt pullback thường sẽ phản ứng ở mức trung bình trượt này.
Khi nào giá cắt đường MA50 đi xuống một cách rõ ràng nhất thì đó chính là tín hiệu thị trường đảo chiều giảm → bán tài sản, ngược lại, các bạn có thể tiếp tục giữ vị thế để gia tăng lợi nhuận.
Mua tài sản chờ giá tiếp tục tăng
Đối với những người đang ở ngoài thị trường, một ATH mới được thiết lập sau đợt sụt giảm trước đó cho thấy rằng nhà đầu tư vẫn còn niềm tin đối với tài sản. Và một ATH mới chính là động lực để tài sản tiếp tục tăng giá trong tương lai. Đây là cơ hội để những người đang ở ngoài bắt đầu mua vào và chờ đợi những mức ATH mới cao hơn được thiết lập.
Để xác định thời điểm mua vào sau khi ATH mới hình thành, các bạn nên chờ đợi giá phục hồi sau ATH và phá vỡ được chính mức ATH đó, đồng thời cũng đang là kháng cự mạnh. Vì sau khi breakout kháng cự thì giá sẽ có xu hướng tiếp tục tăng lên.
Lời kết
Mặc dù không thường xuyên được sử dụng trên thị trường ngoại hối nhưng các forex trader hoàn toàn có thể áp dụng tất cả những gì mà chúng tôi chia sẻ ở trên vào các giao dịch của mình, đặc biệt khi ATH mới thiết lập trên tài sản mà bạn đang có vị thế mở.
Và hy vọng rằng, những gì đã được trình bày trong bài viết này sẽ phần nào giúp các bạn định hướng được phương án xử lý phù hợp nhất đối với vị thế của mình khi ATH xuất hiện, đồng thời có thể ra quyết định nên hay không gia nhập thị trường khi ATH mới được hình thành.