Panic sell: Hiện tượng phổ biến khi giá giảm đột ngột?
Panic sell là một thuật ngữ thường gặp trên các thị trường như chứng khoán, bất động sản, liên quan đến việc các nhà đầu tư bán tài sản một cách ồ ạt khiến giá tài sản giảm sâu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến panic sell và khi một đợt panic sell xảy ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường. Trong bài viết lần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về đặc điểm của panic sell và những vấn đề khác liên quan đến hiện tượng này. Bắt đầu nhé.
Panic sell là gì? Tại sao panic sell là một ý tưởng tồi tệ?
Panic sell là gì?
Panic sell trên các thị trường tài chính có nghĩa là bán tháo hoảng loạn hay bán tháo ồ ạt, là hiện tượng các nhà đầu tư trên thị trường quyết định bán hết tất cả các tài sản mà họ đang nắm giữ để chuyển sang tiền mặt, bất kể hiệu quả của các khoản đầu tư đó. Panic sell sẽ khiến cho giá tài sản giảm xuống một cách giả tạo, không phản ánh đúng giá trị nội tại của nó. Khi càng có nhiều người bán tháo hoảng loạn thì giá sẽ càng giảm, và đương nhiên, sẽ có một bàn tay nào đó nắm bắt cơ hội này và mua được tài sản với mức giá cực hời.
Panic sell được cho là một phản ứng tự nhiên của nhà đầu tư khi các điều kiện thị trường đang hoảng loạn và không chắc chắn, đặc biệt khi khủng hoảng tài chính xảy ra, trước một tin đồn thất thiệt về tài sản.
Panic sell chủ yếu được nhắc đến nhiều trên thị trường chứng khoán và chắc chắn thuật ngữ này không tồn tại trên thị trường forex vì ở thị trường này, trader không thực sự sở hữu tài sản nên không có chuyện bán chúng ra để thu về tiền mặt.
Tại sao panic sell được cho là một ý tưởng tồi tệ?
Hình minh họa Panic Sell. Nguồn: Internet.
Lịch sử cho thấy rằng thị trường cuối cùng cũng sẽ phục hồi sau một thời kỳ suy thoái, khủng hoảng. Thời gian phục hồi có thể lâu hoặc nhanh, chẳng hạn như thị trường sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi từ một cuộc đại khủng hoảng tài chính toàn cầu so với đại dịch chẳng hạn, nhưng thị trường sẽ phục hồi, lịch sử đã chứng minh và rất ít ngoại lệ. Điều này có nghĩa là các nhà đầu tư panic sell trong thời kỳ khủng hoảng thường không mang về lợi ích cho họ.
Trong khi đó, trên các thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán, sự sụt giảm của thị trường là một phần của chu kỳ đầu tư thông thường và quá trình phục hồi cũng vậy.
Suy thoái kinh tế hay khủng hoảng tài chính có thể đáng lo ngại, điều này hoàn toàn chấp nhận được vì bản chất con người chúng ta chứ không riêng những nhà đầu tư là ngại rủi ro và muốn hạn chế rủi ro nhất có thể. Khi thị trường sụt giảm, giá trị của khoản đầu tư giảm xuống, phải chăng chúng ta nên kết thúc quá trình đầu tư này để hạn chế rủi ro. Tâm lý chung sẽ thường là như vậy.
Tuy nhiên, nhận thức của chúng ta về rủi ro không phải lúc nào cũng chính xác. Panic sell trong thời kỳ thị trường suy thoái sẽ khiến khoản lỗ của bạn trở thành hiện thực. Nếu bạn giữ bình tĩnh và chống lại sự thôi thúc bán ra, khoản thua lỗ đó sẽ chỉ là giả thuyết – nó sẽ chỉ là một con số âm tạm thời trên màn hình máy tính của bạn. Khi thị trường đi lên trở lại, bạn có thể thấy các khoản đầu tư của mình tăng giá trị và cuối cùng bạn có thể thu được lợi nhuận. Nhưng tiếc rằng, trong hầu hết thời gian trên thị trường, nỗi sợ hãi thường lớn hơn lý trí, các nhà đầu tư sẽ chạy theo đám đông và panic sell xảy ra.